Kiến lập triều Hán Hán_Cao_Tổ

Xưng đế và phân phong

Thắng trận, Lưu Bang vội vã trở về đến Định Đào, phi ngựa vào thành của Tề vương Tín, cướp quân của Hàn Tín lần thứ 2.

Tháng 1 âm lịch năm 202, các quan văn võ và chư hầu suy tôn Lưu Bang lên làm Hoàng đế nhưng ông từ chối:

"Ta nghe nói: “Người hiền mới được làm đế,nếu không chỉ là lời nói suông không nên làm”. Ta không dám lên ngôi đế."

Quần thần cùng thuyết phục:

"Đại vương xuất thân thấp hèn,giết bọn bạo ngược,bình định bốn biển,người nào có công thì được cắt mà phong làm vương,làm hầu.Nếu đại vương không có danh hiệu tôn quý thì họ đều nghi không tin.Bọn thần liều chết xin giữ điều đó."

Lưu Bang cố khước từ ba lần mà không được, mới nói:

"Nếu các ông đều cho thế là tiện thì tôi nhận, vì tiện lợi của quốc gia."

Rồi ông lên ngôi hoàng đế ở phía bắc sông Tự Thủy, tức là vua Hán Cao Tổ. Ông tôn cha là Thái công làm Thái thượng hoàng, lập Lã Trĩ làm hoàng hậu, con trai Lã Trĩ là Lưu Doanh làm thái tử.

Ông phân phong các công thần làm chư hầu như sau:

  • Cải Tề vương Hàn Tín làm Sở vương, đóng đô ở Hạ Bì.
  • Lập Kiến Thành hầu Bành Việt làm Lương Vương, đóng đô ở Định Đào
  • Lập vua Hàn trước là Tín làm Hàn vương, đóng đô ở Dương Địch.
  • Dời Hành Sơn vương Ngô Nhuế làm Trường Sa vương, đóng đô ở Lâm Tương.
  • Hoài Nam vương Anh Bố, Yên Vương Tạng Đồ, Triệu vương Trương Ngao, Lâm Giang vương đều như cũ.

Hán Cao Tổ đóng đô ở Lạc Dương là kinh đô cũ của nhà Đông Chu.

Đóng đô ở Quan Trung

Theo Sử ký, ban đầu Hán Cao Tổ muốn đóng đô ở đất Lạc Dương vĩnh viễn. Lâu Kính người nước Tề nói với Trương Lương. Trương Lương khuyên ông đóng đô ở Quan Trung. Ngay hôm ấy, Cao Tổ lên xe ngựa đến Quan Trung và chọn Trường An nơi đây làm kinh đô.

Giảm thuế và sưu dịch

Sau khi lên ngôi hoàng đế, Hán Cao Tổ tái tập trung quyền lực quốc gia theo hệ thống nhà Tần. Ông dần thay thế những tướng cũ, phong đất cho họ và gia đình, đồng thời giải tán quân đội và cho phép binh sĩ trở về nhà sau khi ông trở thành hoàng đế. Ông ra lệnh cho những người thuộc thẩm quyền của các vị vua chư hầu của ông, nói rằng những người ở lại Quan Trung sẽ được miễn thuế và sưu dịch trong mười hai năm, trong khi những người trở về đất phong của mình sẽ được miễn trong sáu năm và nhà nước cung cấp cho họ trong một năm. Bởi vì nền kinh tế bị tàn phá bởi chiến tranh sau sự sụp đổ nhà Tần, ông cho giảm thuế và giảm bắt dân đi phu, phát triển nông nghiệp, hạn chế chi tiêu và mang tự do cho những kẻ đã bán mình làm nô lệ để tránh nạn đói trong chiến tranh. Năm 195 TCN, Cao Tổ đã ban hành hai nghị định, một là chính thức hóa việc hạ thấp thuế và sưu dịch, thứ hai là thay đổi số lượng cống phẩm cho triều đình của các vị vua chư hầu vào mỗi tháng 10 hàng năm. Thuế đất sản xuất nông nghiệp đã giảm với tốc độ một phần 15 trên sản lượng cây trồng. Ông cũng cho tư nhân đúc tiền. Tuy nhiên, vì đã chứng kiến điều mà ông cho là sự suy đồi của giới nhà buôn thời Tần, ông hạn chế thương mại bằng cách áp đặt thuế cao và luật hóa các quy định đối với nhà buôn.

Đối với Nho giáo

Trong những ngày đầu tiên, Cao Tổ không thích đọc và hạ thấp Nho giáo. Sau khi ông lên ngôi, ông vẫn giữ quan điểm tương tự đối với Nho giáo như trước, cho đến khi ông được soi sáng bởi học giả Lục Giả. Lục Giả đã viết một cuốn sách 12 chương tên Tân Dư (新语), nhấn mạnh lợi ích của việc quản lý đất nước bằng đạo đức hơn là sử dụng pháp luật cưỡng chế. Lục Giả đọc từng chương cho hoàng đế sau khi viết xong, khiến Cao Tổ vô cùng ấn tượng. Dưới triều đại của Hán Cao Tổ, ảnh hưởng của Nho giáo trỗi lên và dần dần thay thế Pháp gia, vốn chiếm ưu thế và thắng thế trong triều đại trước. Các học giả Nho giáo, bao gồm Lục Giả, đã được tuyển dụng vào triều đình và Cao Tổ cũng tiến hành cải cách hệ thống pháp luật, giảm bớt các luật lệ khắc nghiệt từ thời nhà Tần và giảm mức hình phạt. Năm 196 TCN, sau khi chinh phạt Anh Bố, quân đội của Cao Tổ đi ngang qua Sơn Đông, nơi Cao Tổ đích thân chuẩn bị cho một buổi lễ để tỏ lòng kính trọng của mình với nhà triết học Khổng Tử.

Cân nhắc ngôi thái tử

Trong những năm sau này, Cao Tổ bắt đầu sủng ái Thích phu nhân và bỏ mặc Lã hậu. Ông cảm thấy rằng đương kim thái tử Lưu Doanh, con Lã Hậu, quá yếu đuối để là một người cai trị. Cao Tổ do vậy có ý phế Lưu Doanh và thay bằng con của Thích phu nhân là Lưu Như Ý. Lã hậu trở nên lo lắng và hỏi Trương Lương cách để giúp con trai bà giữ ngôi thái tử. Trương Lương đề nghị dùng bốn hiền sĩ ẩn dật, được gọi chung là Thương Sơn Tứ Hạo (商山四皓) để giúp Lưu Doanh.

Năm 195 TCN, khi Cao Tổ trở về sau khi dẹp loạn Anh Bố, sức khỏe của ông xấu đi và càng muốn đổi ngôi thái tử. Trương Lương cố gắng can ngăn nhưng Cao Tổ lại bỏ ngoài tai, khiến Trương Lương từ chức với lý do rằng bị ốm. Gia sư của thái tử là Thúc Tôn Thông (叔孫通) và Chu Xương phản đối mạnh mẽ lại quyết định thay thế thái tử Cao Tổ. Chu Xương nói rằng: "Thần tuy không khuyên can được, nhưng thần biết điều này là không nên. Nếu bệ hạ phế thái tử, thần quyết không thể phụng chiếu." [18]. Sau đó, Thương Sơn Tứ Hạo xuất hiện và khiến Cao Tổ ngạc nhiên vì họ đã từng từ chối ra giúp ông trước kia. Họ hứa sẽ giúp Lưu Doanh trong tương lai khi trở thành hoàng đế, khiến Cao Tổ quyết định giữ ngôi thái tử của Lưu Doanh.

Đối với chư hầu

Hán Cao Tổ cũng rất quan tâm tới việc hạn chế thế lực của các chư hầu là công thần được phân phong. Ông lần lượt trừ khử hoặc phế truất các công thần làm vua chư hầu và phong cho các hoàng tử cũng như những người khác trong hoàng tộc thay thế. Đồng thời, ông giao ước với các quan đại thần rằng:

Ai không phải họ Lưu mà làm vương thì thiên hạ cùng đánh nó.

Việc trừ khử các chư hầu được Lưu Bang tiến hành ngay từ khi mới lên ngôi hoàng đế.

  • Tề: Sau khi cải phong Tề vương Hàn Tín làm Sở vương, Lưu Bang phong cho con lớn là Lưu Phì làm Tề vương
  • Lâm Giang: Theo ghi chép của Sử ký, Lâm Giang vương phản Hán, Cao Tổ sai Lư Quán, Lưu Giả mang quân đến bao vây nhưng không hạ được thành. Mấy tháng sau Lâm Giang vương đầu hàng và bị giết ở Lạc Dương.
  • Sở: Năm 200 TCN, Hán Cao Tổ lấy cớ nghi Hàn Tín làm phản vì có người tố giác, bèn theo kế của Trần Bình giả cách ra chơi ở Vân Mộng gần chỗ trấn nhậm của Hàn Tín. Hàn Tín vội ra đón rước, liền bị Lưu Bang bắt giữ mang về kinh đô và giáng làm Hoài Âm hầu. Tới năm 196 TCN, Hàn Tín bị Lã Hậu giết tại kinh đô khi Lưu Bang đang đi đánh Trần Hy. Lưu Bang chia nhỏ nước Sở, lập người con thứ 6 là Lưu Hữu làm Hoài Dương vương, người cháu là Lưu Giao làm Sở vương, Lưu Giả làm Kinh vương.
  • Lương: Năm 197 TCN, Trần Hy làm phản. Lưu Bang triệu tập Lương vương Bành Việt đến hội quân để đánh Hy, nhưng Bành Việt cáo ốm không đi, chỉ cho bộ tướng đi thay. Lưu Bang bèn sai sứ bất ngờ đến bắt ông và giải về Lạc Dương. Lưu Bang nghĩ Bành Việt có công lao nên không giết mà chỉ đày vào huyện Thanh Y đất Thục. Đi nửa đường đến đất Trịnh, Bành Việt gặp Lã Hậu từ Trường An ra Lạc Dương, bèn đến xin nhờ Lã hậu nói với Hán Cao Tổ tha tội. Lã hậu nhận lời, nhưng khi trở về Lạc Dương lại khuyên Lưu Bang giết Bành Việt. Lưu Bang giết Bành Việt và phong người con thứ 5 là Lưu Khôi làm Lương vương.
  • Triệu: Triệu vương Trương Ngao vốn là con rể Hán Cao Tổ. Do Lưu Bang có hành động sỉ nhục Trương Ngao trong lần đến nước Triệu năm 199 TCN, các thủ hạ của Trương Ngao có ý định giết Lưu Bang để trả thù. Năm 198 TCN, ý đồ ám sát lộ ra, các thủ hạ nhận tội, nhất định nói Trương Ngao không biết việc ám sát. Trương Ngao vẫn bị truất ngôi Triệu vương, bị giáng làm Tuyên Bình hầu. Lưu Bang phong cho người con thứ 3 là Lưu Như Ý làm Triệu vương.
  • Hàn: Năm 201 TCN, Lưu Bang dời Hàn vương Tín sang vùng Thái Nguyên xa xôi ở phía bắc, đóng đô ở Mã Ấp, tiếp giáp với Hung Nô. Cùng năm, vua Hung Nô là Mặc Đốn mang quân vây đánh Mã Ấp. Hàn Vương Tín không chống nổi, nhiều lần phải cầu hoà. Lưu Bang nghe tin Hàn vương Tín nhiều lần cầu hoà với Hung Nô nên nghi Tín làm phản, sai sứ đến khiển trách. Hàn Vương Tín lo sợ, bèn quay sang đầu hàng Hung Nô và cùng Hung Nô đánh Hán. Năm 197 TCN, ông sai Vương Hoàng đi thuyết phục Trần Hy làm phản nhà Hán. Tướng Hán là Sài Vũ tấn công Tham Hợp, giết chết Hàn Vương Tín.
  • Đại: Năm 197 TCN, sau khi diệt Trần Hy ở nước Đại, Lưu Bang phong con thứ 4 là Lưu Hằng làm Đại vương
  • Hoài Nam: Sau khi giết Lương vương Bành Việt, Lưu Bang sai người lấy thịt Việt làm mắm gửi cho các chư hầu. Năm 195 TCN, Hoài Nam vương Anh Bố sợ mình sẽ bị thanh trừng bèn cất quân chống lại. Anh Bố giết chết Kinh vương Lưu Giả và đánh tan Sở vương Lưu Giao, nhưng sau đó Lưu Bang cầm quân đi tiêu diệt được Anh Bố. Dẹp xong, Lưu Bang phong cho con thứ 7 là Lưu Trường làm Hoài Nam vương, cháu là Lưu Tỵ làm Ngô vương.
  • Yên: Sử ghi Tháng 10 năm 201 TCN, Yên vương Tạng Đồ làm phản. Cao Tổ thân hành cầm quân đánh, bắt được Yên vương Tạng Đồ, lập thái úy Lư Quán (vốn là bạn thân) làm Yên vương. Năm 195 TCN, sau khi Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố, Trần Hy đều bị giết, đến lượt Lư Quán bị nghi có mưu phản. Lưu Bang sai Phàn Khoái mang quân đi đánh Yên. Lư Quán biết không giữ được nước Yên, bèn mang gia quyến cùng vài ngàn quân rời bỏ nước Yên chạy ra Vạn Lý Trường Thành. Lưu Bang đã ốm nặng, bèn lập con thứ 8 là Lưu Kiến làm Yên vương, rồi qua đời. Lư Quán không thể phân trần với Lưu Bang, đành phải chạy sang hàng Hung Nô.

Đối ngoại

Bài chi tiết: Trận Bạch Đăng

Vào thời của Tần Thủy Hoàng, mối đe dọa của Hung Nô ở phía bắc đã xuất hiện nên đã phái tướng Mông Điềm dẫn quân tấn công để bảo vệ biên giới phía Bắc trong khi cho xây dựng Vạn lý trường thành để bảo vệ đế chế Tần. Mặc dù Mông Điềm đã thành công trong việc đẩy lùi quân Hung Nô, nhưng sau sự sụp đổ của nhà Tần, Hung Nô đã nắm lấy cơ hội này để tiến về phía nam và đột kích biên giới một lần nữa. Năm 201 TCN, Hung Nô tấn công nhà Hán, Hàn vương Tín đầu hàng. Mùa đông năm 200 TCN, Hán Cao Tổ đích thân ra quân đánh Thiền vu Hung Nô là Mặc Đốn, không nghe theo lời khuyên của Lâu Kính.

Tại trận Bạch Đăng[19], 7 vạn quân Hán[20] bị khoảng 300.000 kỵ binh Hung Nô bao vây. Cao Tổ bị cắt nguồn tiếp tế và cứu trợ trong 7 ngày, trong hoàn cảnh rất nguy khốn. Ông theo lời của Trần Bình sai người đến thuyết phục vợ Mặc Đốn là Yên Chi tác động, Mặc Đốn mới rút quân.

Sau thất bại tại Bình Thành, Hán Cao Tổ từ bỏ giải pháp quân sự đối với mối đe dọa từ phía Hung Nô. Ông quyết định nhân nhượng họ bằng cách gả con gái các gia đình quý tộc và cung cấp cống phẩm hàng năm cho các tù trưởng Hung Nô để đổi lấy hòa bình giữa hai bên. Chính sách này đã kéo dài liên tục trong 70 năm.